Về nhà – hai tiếng mộc mạc mà thân thương. Chúng sẽ còn ý nghĩa và thiêng liêng hơn khi những đứa con xa quê được trở về nhà vào đúng dịp tết. Ai ở trong hoàn cảnh mới thấm. Nó cảm động và trân quý lắm thay.
Đi qua cánh đồng với những thửa ruộng nứt nẻ bởi tiết trời hanh khô, xộc vào mũi ta mùi ngai ngái của những gốc rạ, đó chính là mùi của một tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, nghèo khó mà vui. Những bước chân đầu tiên về tới đầu làng bỗng thấy con tim nghèn nghẹn. Bóng dáng của những người làng dù bao năm xa cách vẫn cứ nhận ra, họ vẫn hồn hậu và chân chất, gặp lại là tay bắt mặt mừng, chân tình hỏi thăm nhau mọi điều về nhân tình thế thái. Làng quê giờ đã thay đổi nhiều, giàu có hơn nhưng tình làng nghĩa xóm thì vẫn vẹn nguyên và đầy ăm ắp. Đẩy nhẹ cánh cổng với màu sơn đã cũ để bước vào sân, u đang lúi húi bón phân cho khu vườn nhỏ mà không hề hay biết. Chỉ khi nghe tiếng chào, u mới giật mình quay lại và mừng rỡ hỏi “đã về rồi đó hả con?”. Chỉ bấy nhiêu thôi, cảm xúc bao ngày xa quê trong tôi chợt vỡ òa. Thương u nhiều lắm, cả đời một nắng hai sương lo lắng cho các con, mấy ngày tết chỉ mong ngóng các con trở về sum vầy, đoàn tụ.
Cắm xong cành đào vào lọ và bày trang trọng trên bàn thờ cùng với chút bánh kẹo, hoa quả. Vậy là không khí tết đã bắt đầu xuất hiện trong ngôi nhà nhỏ chất chứa đầy kỉ niệm thân yêu của gia đình tôi. Mấy chị gái lấy chồng cùng xã cũng đã có mặt đông đủ và mỗi người một tay chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Tôi thì phụ u cắt lá dong tại vườn nhà để ngày mai gói bánh chưng, phần còn lại thì u mang ra bán ở phiên chợ tết cuối xóm. Lâu không về nên tôi đi lần lượt từng gian phòng nhỏ, ngắm nghía, lật giở lại từng vật dụng trong nhà mà đã bao ngày xa cách. Chúng vẫn vẹn nguyên, ngăn nắp như vốn dĩ chúng được tạo ra để sống với gia đình tôi. Bỗng chốc tôi thấy chúng thật thân thương, lòng thầm cảm ơn vì chúng đã là những người bạn trung thành của anh chị em tôi trong suốt mấy chục năm qua.
Lâu lắm rồi gia đình tôi mới đông đủ bên nhau quanh bữa cơm sum họp ngày cuối năm như thế. Mấy anh chị em và các cháu không ngừng hỏi thăm nhau, tiếng cười nói rộn vang cả một góc xóm, nhưng đôi lúc cũng ngậm ngùi trầm lắng. Đó là lúc nhớ về những kỉ niệm thời nghèo khó, nhớ về bố, nhớ về những lời răn dạy của bố dành cho các con, các cháu trước đây. U rưng rưng nước mắt khi nghe các con, các cháu ôn lại kỉ niệm. Người đàn bà đi gần hết cuộc đời với mái tóc pha sương đã không giấu nổi niềm hạnh phúc, khi được ngồi bên những đứa con đã trưởng thành của mình. Bà mở tủ lấy ra xấp ảnh đã nhuốm màu thời gian, cùng các con cháu lật giở lại từng khoảnh khắc vui buồn, như muốn nhắn nhủ với chúng là phải luôn biết trân quý những ngày tháng ấy.
Vì mưu sinh phải sống xa quê nên những người như chúng tôi luôn đau đáu được trở về nhà mỗi khi năm hết tết đến. Về để được sum họp đầy đủ bên gia đình. Về để được sống lại những ký ức khó quên của tuổi nhỏ. Về để nhắc nhở ta đã lớn khôn và cha mẹ thì không thể sống mãi cùng chúng ta được…Có thể giờ đây nhiều người cảm thấy tết đã nhạt, đã không còn giữ nguyên được phong vị như xưa. Có thể cuộc sống của người dân hiện nay đã đủ đầy sung túc, nên nhu cầu về “ăn tết – ăn trong ngày tết” không còn nặng nề như trước nữa. Có thể sự giao thoa văn hóa giữa các nước trên thế giới đã làm cho tết của người Việt mai một đi phần nào tính cổ truyền. Thế nhưng, tết sẽ vẫn mãi là tết mà chẳng gì thay thế được. Hãy trở về nhà để ăn tết mỗi năm nếu như có thể, bởi ai lớn lên cũng đều cần phải có cha mẹ, quê hương.
Dương Hùng