Đã từ rất lâu rồi, cứ vào đầu tháng Chạp và trước ngày ông Công ông Táo, nhiều dòng họ ở các tỉnh phía bắc tổ chức chạp họ. Đây là dịp mà các suất đinh (những nam giới) trong một dòng họ gặp mặt để thể hiện trách nhiệm và đạo lý uống nước nhớ nguồn với các bậc tiên tổ. Mỗi dòng họ sẽ có một quy ước riêng và bao đời nay con cháu đều phải thuộc nằm lòng những quy định đó. Trước ngày chạp họ, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ phải cử một đại diện đến nhà trưởng họ để họp và phân công trách nhiệm của từng người. Nếu gia đình nào có suất đinh mới chào đời thì phải báo với trưởng tộc để vào gia phả.
Đường làng như chật chội hơn khi hàng xe ô tô đỗ nối đuôi nhau
Mới sáng sớm của ngày chạp họ, các suất đinh đang sinh sống và làm việc ở mọi nơi đã nườm nượp đổ về quê. Các con đường trong thôn xóm vốn dĩ đã chật hẹp, nay mỗi khi làng có việc và ô tô đỗ nối đuôi nhau, khiến cho chúng dường như bé nhỏ hơn. Vào ngày này, mỗi dòng họ thường sẽ chia ra làm ba bộ phận chính. Các cụ cao niên và các bác lớn tuổi sẽ tập trung tại nhà trưởng họ từ đầu giờ sáng để chuẩn bị và tiến hành tế lễ trước bàn thờ tổ. Nhóm thứ hai gồm có một cụ lớn tuổi sẽ dẫn các suất đinh trong lứa tuổi trung niên, thanh niên mang cuốc xẻng ra đồng để tảo mộ. Nhóm này sẽ đi lần lượt từng ngôi mộ của dòng họ mình để phát quang cây cỏ, dọn dẹp sạch sẽ và thắp hương. Đây là dịp để các cụ giới thiệu cho con cháu đời sau biết được chủ nhân của từng ngôi mộ, mối quan hệ của ngôi mộ đó với các gia đình trong dòng họ mình như thế nào. Bộ phận thứ ba sẽ có trách nhiệm ở nhà mổ lợn để làm cỗ. Đáng chú ý là mỗi năm sẽ tập trung mổ lợn và làm cỗ ở nhà một suất đinh khác nhau. Điều này sẽ giúp cho việc giao lưu và thắt chặt thêm tình đồng tộc của mỗi gia đình trong dòng họ.
Các cụ đọc sớ và tế lễ trước bàn thờ tổ
Bộ phận ra ngoài đồng tảo mộ
Mổ lợn xong, một số thanh niên trai tráng khỏe mạnh sẽ sắp mâm xôi, thủ lợn và đồ lễ… mang đến nhà trưởng tộc để các cụ tế lễ tổ tiên. Sau đó, bộ phận hậu cần sẽ tính số suất đinh tham dự hôm ấy để làm cỗ. Phần thịt lợn và xôi còn lại sẽ được chia đều cho mỗi suất đinh mang về gia đình mình, để những người không được tham gia chạp họ hôm đó nấu nướng bữa trưa tại gia. Thường thì khi bộ phận đi tảo mộ ngoài đồng về đến nhà, các cụ tế lễ đã xong thì bộ phận làm cỗ cũng hoàn thành trách nhiệm. Trước giờ liên hoan dòng họ, tất cả suất đinh sẽ ngồi họp để trưởng tộc thông báo cụ thể về tiền quỹ, trao thưởng khuyến học cho các suất đinh đạt thành tích cao trong học tập và đỗ đại học, cao học … trong năm qua. Cuối cùng, các suất đinh sẽ cùng nhau dọn cỗ để liên hoan vui vẻ.
Thông qua những chén rượu nồng thắm tình đồng tộc, những lời chúc tốt đẹp khi một năm cũ sắp qua và một năm mới sắp tới được gửi đến nhau. Điều ý nghĩa hơn cả là ngoài sự cung kính, biết ơn tiên tổ, ngày chạp họ trong mỗi năm còn là ngày mà anh em họ hàng ở các nơi quy tụ về, giao lưu và nhận mặt nhau sau cả một năm ai cũng bận rộn với cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền. Những cơ hội để anh em đồng tộc giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, trong kinh doanh cũng được kết nối và mở ra từ đây. Chạp họ thực sự là một nét đẹp văn hóa giàu ý nghĩa của bà con các tỉnh phía bắc cần được gìn giữ và lưu truyền. Tuy nhiên, khi xã hội đã phát triển văn minh, nên chăng mỗi ngày chạp họ sẽ mở rộng thành phần được tham gia là cả các phụ nữ mang dòng họ đó, thì có lẽ ý nghĩa của ngày chạp họ sẽ trọn vẹn và nhân văn hơn.
Vũ Mạnh Hùng