[cuocsongviet.vn] Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động hằng ngày, người ta khó tránh khỏi các tai nạn dẫn đến xây xát hay vết thương hở, gây đau đớn, thậm chí nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Vì vậy, mỗi người cần thiết trang bị những kiến thức cơ bản trong sơ cứu vết thương để hạn chế thấp nhất mức độ nghiêm trọng. Cuộc Sống Việt xin gửi tới bạn đọc bài viết Cách sơ cứu và chăm sóc vết thương hở sau đây:
1. Các bước sơ cứu vết thương hở
Đối với các vết thương diện tích nhỏ, không quá sâu, tình trạng nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà. Phải đảm bảo thực hiện đủ và đúng trình tự các bước sau đây để vết thương mau lành:
• Bước 1: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi thực hiện sơ cứu. Nếu có găng tay y tế thì nên sử dụng để hạn chế tiếp xúc với chất dịch và máu của nạn nhân.
• Bước 2: Cầm máu, có thể dùng bông gòn hoặc khăn sạch để ép lên vết thương nhằm thúc đẩy quá trình đông máu.
• Bước 3: Sử dụng dung dịch sát khuẩn, nước sạch hoặc nước muối sinh lý để rửa vết thương, sát khuẩn và bỏ dị vật. Đối với những vết thương quá lớn hoặc có dị vật phức tạp như thủy tinh, vật thể lạ cần đến cơ sở y tế để được xử lý chuyên nghiệp hơn.
• Bước 4: Sau khi làm sạch vết thương, có thể sử dụng thêm các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ bôi lên vết thương, thúc đẩy quá trình hồi phục cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng.
• Bước 5: Đối với các vết thương diện tích nhỏ có thể sử dụng băng gạc y tế chống thấm để băng bó. Phải băng kín miệng vết thương để tránh tái nhiễm khuẩn và không nên băng quá chật.
Theo dõi liên tục miệng vết thương, nên thay băng ít nhất một lần trong ngày và kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng. Mỗi khi thay băng phải vệ sinh vết thương và bôi thuốc. Trường hợp vết thương nặng hơn cần phải đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.
2. Nhận biết vết thương hở đã nhiễm trùng
Nếu quá trình sơ cứu, điều trị và chăm sóc vết thương không được thực hiện khoa học thì vết thương sẽ nhiễm trùng, gây hại cho sức khỏe. Những dấu hiện sau đây cho thấy vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng:
• Chảy dịch vàng hoặc dịch màu xanh lá, có thể có mủ và mùi hôi tanh khó chịu.
• Đỏ tấy, đau nhức và sưng to.
• Miệng vết thương dần thay đổi kích thước, triệu chứng sưng đỏ lan rộng sang các vùng lân cận.
• Tình trạng đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi sử dụng các loại thuốc giảm đau tại nhà.
• Cơ thể bắt đầu yếu ớt, mệt mỏi kèm theo sốt.
3. Xử lý vết thương hở đã nhiễm trùng
Tùy thuộc vào hiện trạng, vị trí, thời gian hình thành vết thương, thể lực cùng với sức khỏe bệnh nhân để có thể lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp.
• Nếu vết thương bị sưng đỏ nhẹ, chỉ cần vệ sinh bằng nước muối mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 15 phút, sau đó lau khô nhẹ bằng bông y tế.
• Nếu vết thương đã được khâu, tuyệt đối không ngâm nước để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng.
• Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn nhóm thuốc điều trị nhiễm trùng.
• Phẫu thuật nhằm làm sạch vết thương hoặc cắt bỏ các mô nhiễm trùng (không thể phục hồi khi vết thương hở đã nhiễm trùng nghiêm trọng).
• Nếu sưng viêm, xuất hiện mủ và dịch có mùi tanh, bác sĩ sẽ hút mủ từ da để khắc phục thương tổn.
4. Trường hợp nên gặp bác sĩ
• Cầm máu không có hiệu quả, máu vẫn chảy liên tục không có dấu hiệu ngừng sau vài phút.
• Vết thương do động vật cắn.
• Tổn thương nghiêm trọng gần đầu, cổ, ngực, bụng gây dập nát hoặc có vết hở lớn.
• Vị trí vết thương đâm sâu hoặc xuyên qua các khớp xương.
• Chấn thương nặng làm đứt rời các chi (trong thời gian chờ cấp cứu, nên bảo quản chi đứt rời trong túi nilon sạch, kín và ướp lạnh).
• Vết thương bắt đầu nhiễm trùng hoặc không thể làm sạch bằng các biện pháp sơ cứu thông thường.
Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết, hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích về Cách sơ cứu và chăm sóc vết thương hở, giúp bạn đọc có cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Thanh Mai